Labels

Tra cứu (CVT) :
(CVT) mới : TTYL

Vài nét về Lịch sử CVT

 

Theo Manuel Zahariev [12], thuật ngữ viết tắt có khoảng gần 2000 năm lịch sử. Nền cộng hoà Đế chế La Mã (Republic of Rome) thường sử dụng từ ‘SPQR’ để viết tắt cho cụm từ “ Senatus Populus que Romæ”, với ý nghĩa là Hội đồng nhà nước và nhân dân thành La Mã.

Một số từ viết tắt khác của mẫu tự La-tinh xuất hiện trong văn viết từ thời Trung cổ và thời kỳ Phục hưng ở Châu Âu, chẳng hạn như từ ‘QED’ viết tắt cho cụm từ “Quod Erat Demonstrandum”, có nghĩa là “điều đã được chứng minh”. Nguồn gốc của từ viết tắt này được trình bày trong tác phẩm “Ethica More Geometrico Demonstrata” nhà triết học Benedictus de Spinoza (1632-1677).

Web site http://www.acronymfinder.com cho phép tra cứu các CVT tiếng Anh. Khi truy nhập vào thời điểm 02/2004 để tìm từ viết tắt CIA, Manuel Zahariev cho biết có 64 cụm từ viết tắt CIA. Chúng tôi truy nhập 03/2006, kết quả có đến 84 cụm từ khác nhau được viết tắt bởi CIA, được chia ra nhiều lĩnh vực khác nhau. V iết tắt cũng được dùng phổ biến trong tiếng Pháp (raccourcies, sigles) và tiếng Đức (Akronyme, Abkürzungswort). Manuel Zahariev cho biết có đến 17.000 cụm từ viết tắt tiếng Pháp, 50.000 cụm từ viết tắt tiếng Đức (thời điểm 2/2004)

Trong tiếng Việt, đến nay có lẽ chưa có tài liệu nào nói về lịch sử và nguồn gốc các CVT, chưa có công trình nào nghiên cứu đầy đủ về CVT. Theo ý kiến chủ quan của chúng tôi, CVT trong ngôn ngữ người Việt được hình thành từ rất sớm.

Chữ Hán từng được dùng ở Việt Nam trong vòng một ngàn năm đến đầu thế kỷ thứ 20. Với ý thức độc lập dân tộc, ngay từ thế kỷ XIII, người Việt đã sáng tạo ra chữ Nôm.

Tác giả Lã Minh Hằng [2] - Viện nghiên cứu Hán Nôm - nhận xét: “Chữ Nôm Việt là loại văn tự khối vuông do người Việt mượn các thành tố Hán để tạo ra. Bên cạnh những chữ Nôm tự tạo theo phương thức kết hợp các thành tố biểu âm và biểu ý hoặc dạng viết lược nét, viết tắt; trong văn bản Nôm còn tồn tại một số lượng lớn những chữ mượn nguyên hình thể chữ Hán.” Như vậy, ngay từ khi mới hình thành chữ Nôm, yếu tố viết lược nét, viết tắt được vận dụng để sáng tạo ra chữ Nôm. Chẳng hạn, ví dụ sau đây [3] về chữ Nôm hình thành từ chữ Hán viết tắt:

Chữ trong chữ Hán được viết bớt nét thành chữ Nôm .

Chữ trong chữ Hán được viết giản lược thành chữ Nôm .

Khoảng thế kỷ XVII, chữ Quốc ngữ (tức Việt ngữ La tinh hóa) hình thành. Các giáo sĩ Thiên Chúa giáo đến nước ta để truyền đạo. Họ đã La tinh hóa (romanize) ngôn ngữ của người Việt để học được nhanh chóng tiếng người Việt, thay thế tiếng bản địa. Nhiều giáo sĩ cùng hợp tác với các giáo sĩ người Việt đã sáng chế ra Việt ngữ La tinh hóa mà ta gọi đơn giản là chữ Quốc ngữ. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nó đã thay thế thành công chữ Nôm.

Khi chữ quốc ngữ được dùng phổ biến, với xu hướng đơn giản hoá chữ viết, chữ viết tắt bắt đầu được sử dụng. Các nhà báo cùng thường sử dụng viết tắt bút danh như bút danh C.D. (viết tắt từ tên hiệu Chương Dân) của Phan Khôi trên Đông Pháp Thời Báo, 01/05/1928.

Ngày nay, CVT trong tiếng Việt được sử dụng ngày càng nhiều, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chúng ta chưa có số liệu thống kê các CVT tiếng Việt. Tuy nhiên, số liệu CVT trong các tờ báo có số lượng nhật báo phát hành lớn như Nhân Dân, Thanh Niên là có thể chỉ ra được:

  • Báo Nhân dân, ra ngày 26/03/2006: Thống kê chưa đầy đủ, có đến 82 CVT khác nhau. Trong đó, có 18 trường hợp có mở ngoặc giải thích CVT, còn lại 64 trường hợp không giải thích mà sử dụng trực tiếp; có 7 trường hợp dùng CVT tiếng nước ngoài. Sử dụng nhiều nhất là T.Ư (Trung Ương) 23 lần trong 10 bài báo khác nhau. Có CVT rất lạ như ‘BOT’, được giải thích là chi nhánh BOT thu phí.
  • Báo Thanh Niên, ra ngày thứ 7, 25/03/2006: Thống kê chưa đầy đủ, có 102 CVT khác nhau. Trong đó, có 20% trường hợp là có mở ngoặc giải thích CVT, còn lại 80% trường hợp không giải thích mà sử dụng trực tiếp. Sử dụng nhiều nhất là chữ viết tắt TP.HCM (Thành phố Hồ Chí Minh) 68 lần trong 17 bài báo khác nhau. CVT dài nhất 12 ký tự là ‘GĐ&QLCLCT-GT’ (Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông). TƯ và T.Ư là hai cách viết tắt cho một cụm từ “Trung Ương”.

Tuy không phải là vấn đề lớn, nhưng CVT cũng là một hiện tượng ngữ pháp tiếng Việt cần quan tâm. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn [1] nhận xét trong “Ngữ pháp tiếng Việt”: “…Về mặt ngữ văn học, chúng ta có những nét khá độc đáo của chúng ta… Chúng ta có kiểu nói tắt theo kiểu rút gọn lại một âm tiết chớ không nói tắt bằng cách dựa vào những chữ cái đầu hay âm đầu…”. Ông chú thích thêm “Những cách viết tắt như DT (danh từ), VN (Việt Nam), HTX (hợp tác xã)… chỉ sử dụng đơn thuần trong văn tự”.

Như vậy, dù muốn hay không, dù có nhiều quan điểm khác nhau về việc sử dụng, CVT vẫn tồn tại như là một phần không thể thiếu được của tiếng Việt. Đã đến lúc, chúng ta cần tìm hiểu sâu hơn về cách thành lập và sử dụng CVT tiếng Việt.